Tin tức

10 KĨ NĂNG XÃ HỘI MÀ MỌI ĐỨA TRẺ NÊN BIẾT

  • Tác giả Ngọc Thủy

  • Ngày đăng 28/ 09/ 2022

  • Bình luận 0 Bình luận

10 KĨ NĂNG XÃ HỘI MÀ MỌI ĐỨA TRẺ NÊN BIẾT

Trong khi phong trào nuôi con thông minh, trào lưu học vẽ, học đàn, học nhạc… đang nở rộ thì có những thứ nho nhỏ thôi mọi đứa trẻ đều nên học mà bố mẹ có thể dạy chúng không tốn kém 1 đồng nào, chỉ là cần sự kiên nhẫn và tình yêu thôi.

10 điều nho nhỏ này đều hướng đến việc bé sẽ tự tin về bản thân và có tâm lý tích cực khi chấp nhận những điều tiêu cực, không vui, không may trong cuộc sống.

Từ đó, Con sẽ học được cách ứng xử trong cuộc sống thường nhật; mạnh dạn hơn và dám làm, dám thử sức với những điều mới mẻ để trưởng thành hơn 

1. GIỚI THIỆU BẢN THÂN

Thường khi chúng ta đi đâu có ai hỏi “Con mấy tuổi rồi?” “Con tên gì” thì chúng ta đều nhanh nhảu trả lời thay con. Và những đứa trẻ có vẻ cũng ngại ngần nói chuyện, giới thiệu về bản thân với mọi người.

Vì thế, hãy cùng con thực hành giới thiệu bản thân nhé! Có 1 tip nho nhỏ chúng mình áp dụng là đọc sách/ xem phim Đi tìm Dory có đoạn Dory cứ phải lặp đi lặp lại lời giới thiệu bản thân: “Xin chào, tôi là Dory, tôi bị bệnh mất trí nhớ ngắn hạn” Từ đó, bố mẹ có thể cùng con bắt chước Dory giới thiệu bản thân, mẹ có thể làm trước kiểu nhí nhố: “Xin chào, tôi là A, là mẹ của một bạn nhỏ rất hiểu biết và đáng yêu tên là B” Và sau đó hai mẹ con nhớ thực hành nhiều nhiều nha.

2. HỎI NHỜ GIÚP ĐỠ

Các bạn nhỏ thường có thói quen khóc lóc để đòi hỏi thứ gì đó hay khi không làm được việc gì đó mà ít khi chịu nói rõ ràng rằng con cần cái này, con cần cái kia và nhờ bố mẹ giúp. Vì thế, nếu lần tớ bé khóc lóc khi không làm được gì đó, bố mẹ hãy bình tĩnh hỏi bé những câu sau nhé:

Con có chuyện gì khó à?

Con cần mẹ giúp gì không?

Thế con nói với mẹ thế nào nhỉ? Con ko nói thì làm sao mẹ hiểu được là làm thế nào để giúp được con?

Cứ như thế khoảng 10 lần thì bé sẽ hiểu bỏ qua các bước bên trên để đến thẳng bước cuối cùng là đề nghị mẹ giúp như thế nào đấy!

3. LÀM THEO HƯỚNG DẪN

Thường khi có món đồ chơi hay việc gì mới các bạn nhỏ thường thích làm theo ý mình mà ít chịu nghe hướng dẫn/ làm theo hướng dẫn. Bố mẹ có thể để bé làm theo ý mình thỏa thích rồi hướng dẫn bé làm theo các bước nhé! Việc này giúp bé có thái độ tôn trọng các hướng dẫn và làm theo chỉ dẫn, hướng dẫn của cô giáo, khi tham gia hoạt động….

4. HOÀN THÀNH HOẠT ĐỘNG/ CÔNG VIỆC

Các bạn nhỏ thường có khả năng tập trung và kiên nhẫn thấp nên khi có việc gì khó thì thường các bạn nhỏ khó mà kiên nhẫn làm đến cùng, thường là sẽ tức giận bỏ đi hoặc phá hỏng luôn cả công trình đang dang dở. Khả năng bình tĩnh, kiên nhẫn và làm đến cùng là một kĩ năng cực quan trọng để bé có thể học tập, vượt qua những khó khăn và thử thách sau này. Thế nên bố mẹ hãy làm cùng con, chủ động đề nghị cùng làm và tìm ra hướng giải quyết khi bé đang bế tắc (và sắp nổi giận/ bỏ cuộc) nhé! Nhưng bố mẹ đừng bao giờ chê trách bé hay bảo cách làm của bé là sai, hãy nhẹ nhàng hướng bé đến cách giải quyết thôi:

“Ôi, mẹ thấy tòa tháp này còn thiếu miếng ghép này ở đây đúng không?”

“Con sắp xong rồi à? Cho mẹ làm cùng với để xí công nữa nhé!”

Còn nếu bé đã tức giận, bỏ cuộc rồi thì mẹ cứ để bạn ấy xả hết giận rồi hôm sau/ lúc sau ngỏ lời cùng làm nhé!

5. BẤT ĐỒNG, PHẢN ĐỐI MỘT CÁCH TÍCH CỰC

Không thể có chuyện gì cũng theo ý trẻ dù bố mẹ có cố gắng tối đa hỏi ý kiến và tôn trọng ý kiến của trẻ. Có khi trẻ muốn đi chơi nhưng hôm ấy bố mẹ lại bận. Có khi bố mẹ hoặc mọi người sẽ yêu cầu bé làm những điều bé không thích. Vì thế hãy giúp trẻ biết cách bất đồng, phản đối, đưa ra ý kiến một cách tích cực bằng cách nói con không thích thay vì tức giận và la hét, bằng cách không dùng món đồ đó cho đến khi chấp nhận được thay vì đập phá nó… Đó là những kĩ năng cực quan trọng để bé giao tiếp với bạn bè và sau này là với đồng nghiệp nữa.

6. CHẤP NHẬN BỊ TỪ CHỐI

Vì bố mẹ có thể cố gắng nói có tối đa với con nhưng không thể là luôn luôn và mọi người khác cũng sẽ rất thường xuyên từ chối con khi con muốn cái này, cái kia. Vì thế, hãy giúp con có tâm thế tích cực khi bị từ chối, chấp nhận bị từ chối bằng cách thử lại và hi vọng lần sau, cố gắng hơn, tự làm…. Ví dụ, con đã đề nghị mượn đồ mà bạn không cho, hãy bảo con thử lại sau 10 phút, có thể sẽ hiệu quả đấy!

7. TỎ RA CẢM KÍCH, CÔNG NHẬN AI/ ĐIỀU GÌ ĐÓ

Việc nhận ra những điều tốt đẹp, những điều tốt đẹp xung quanh mình, dù là nhỏ bé sẽ giúp bé có thái độ sống tích cực và biết ơn, sẵn sàng giúp người khác. Vì thế, mỗi lần bé được nhận điều gì đó, một món quà/ được quan tâm/ được chơi cùng, hãy giúp bé biết nói cảm ơn bằng cách làm gương cho bé và giải thích cho bé nhé!

8. XIN LỖI BẰNG LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG

Bằng cách mỗi lần bé làm gì sai, hãy yêu cầu bé phải xin lỗi và sửa chữa, khắc phục hậu quả. Nếu bé không chịu, bố mẹ hãy đợi bé bình tĩnh và giải thích rồi bố mẹ cùng bé khắc phục nhé! Và xin lỗi có thể ko cần nói đâu, chỉ cần là bé ôm bố mẹ cũng là đủ rồi nếu bé ngại ngùng.

9. KIỂM SOÁT CẢM XÚC

Nhất là những cảm xúc tiêu cực như tức giận, sợ hãi, buồn bã…. Việc bé phải làm không phải là làm mình hết cảm xúc đó mà kiểm soát các hành vi của mình lúc đó, tức giận có thể la hét nhưng không được phá đồ, đánh bạn, buồn có thể khóc to nhưng không được đánh bố mẹ… Kiểm soát cảm xúc là việc khó khăn và cần bố mẹ giúp đỡ lâu dài.

10. CHẤP NHẬN HẬU QUẢ

Đây là điều tất nhiên. Trẻ ý thức về nhân - quả và chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Nguồn: sưu tầm

_________________________________

Jello - Khởi tạo hạnh phúc trẻ thơ!

Jello Academy là đơn vị tiên phong cung cấp đầy đủ học cụ triển khai phương pháp STEM + Arts chuẩn Hoa Kỳ dành riêng cho trường mầm non tại Việt Nam.

Website: jelloacademy.com

Liên hệ: 024 6666 6997

Trụ sở Hà Nội: Lô C3, khu đô thị mới Yên Hòa, Phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Chi nhánh HCM: Tòa nhà Winhome 793 Trần Xuân Soạn, Quận 7, Hồ Chí Minh

Đăng bình luận
024 6666 6997